jeudi 28 juin 2012

Thâm hụt thương mại của Việt Nam giảm mạnh trong quý I/2012

Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 
 
Theo thống kê chính thức vừa được công bố hôm nay 28/06/2012, trong quý I/2012 thâm hụt thương mại của Việt Nam đã giảm đi gấp mười lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo AFP, đây là một kết quả đáng phấn khởi cho nỗ lực đấu tranh chống lại sự mất cân bằng của nền kinh tế vĩ mô.
 
Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, thâm hụt thương mại trong quý I năm nay là 690 triệu đô la, trong khi quý I/2011 con số này lên đến 6,65 tỉ đô la. Xuất khẩu tăng 22%, với 53,12 tỉ đô la, trong khi đó nhập khẩu chỉ tăng có 6,9%, tức 53,81 tỉ đô la. Ông Vũ Đình Ánh, Phó giám đốc Viện Kinh tế Tài chính giải thích với AFP: “Đây là một dấu hiệu tốt, vì xuất khẩu vẫn cao trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn”.

Trong hai thập kỷ gần đây, Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên lạm phát với hai con số, mà đỉnh điểm là tỉ lệ 23% vào tháng 8/2011, cộng với thâm hụt thương mại khổng lồ và đồng tiền quốc gia bị mất giá nghiêm trọng, đã buộc đảng Cộng sản cầm quyền phải tìm kiếm một mô hình phát triển mới.

Kể từ đó đến nay, lạm phát đã giảm mạnh, cho đến tháng Sáu năm nay là 6,9%, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Cùng thời gian này tăng trưởng cũng bị chậm lại, dừng ở mức khoảng 4% trong quý I, thấp nhất kể từ ba năm nay.

Theo ông Vũ Đình Ánh, thì việc thâm hụt thương mại giảm còn là “một dấu hiệu tiêu cực”. Lượng nhập khẩu giảm cho thấy “các doanh nghiệp trong nước đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn”.

Chính phủ Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, đã có trên 21.000 doanh nghiệp bị phá sản. Tổng sản phẩm nội địa của năm 2011 đã tăng 5,9%, và chính quyền nhắm đến mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm nay.

tags: Kinh tế - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120628-tham-hut-thuong-mai-cua-viet-nam-giam-manh-trong-quy-i2012
 

Tepco rút lui khỏi kế hoạch xuất khẩu lò phản ứng nguyên tử sang Việt Nam

Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 

Theo nhật báo Mainichi Shimbun ngày 28/06/2012, tập đoàn Nhật Tokyo Electric Power Co. tức Tepco, từ bỏ kế hoạch xuất khẩu hai lò phản ứng cho một nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam.

Tập đoàn Tepco dự kiến rút lui khỏi đề án cung ứng và vận hành hai lò phản ứng hạt nhân cho một nhà máy điện nguyên tử Việt Nam. Dự án này do International Nuclear Energy Development thực hiện. Đây là một tập đoàn có trụ sở tại Tokyo, được thành lập năm 2010 với nguồn vốn từ ngân sách, các nhà sản xuất thiết bị hạng nặng và công ty năng lượng, trong đó có Tepco, nhằm xúc tiến xuất khẩu kỹ nghệ nguyên tử.

Theo tờ Mainichi Shimbun, thì giám đốc Tepco, Naomi Hirose hôm qua nói rằng: “Các kỹ sư năng lượng nguyên tử của chúng tôi vẫn còn phải làm rất nhiều việc để ổn định và ngưng vận hành các lò phản ứng” tại nhà máy Fukushima Daiichi bị tai nạn. Theo ông Hirose, thì không thể từ bỏ nhiệm vụ trong nước mà vẫn xúc tiến xuất khẩu.

Hãng thông tấn Jiji Press cho biết, Tepco đã từng hy vọng gởi các kỹ sư sang nhà máy điện nguyên tử Việt Nam để vận hành và bảo trì, và nhận các kỹ sư Việt Nam vào làm việc tại các nhà máy của Tepco ở Nhật.
International Nuclear Energy Development nói rằng đã không được thông tin về bất kỳ thay đổi nào trong kế hoạch của Tepco. Một viên chức giấu tên cho biết: “Chúng tôi đã khẳng định với Tepco là sẽ tiếp tục hợp tác trong dự án với Việt Nam”. Còn tập đoàn Tepco trước mắt chưa đưa ra lời bình luận nào.

Thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Fukushima ngày 11/03/2011 khiến nước Nhật vốn hãnh diện về công nghiệp hạt nhân của mình, đã rơi vào khủng hoảng. Tai nạn đã làm ô nhiễm một vùng đẩt rộng lớn, khiến hàng chục ngàn người phải đi sơ tán. Việc làm sạch phải mất nhiều thập kỷ, và các nhà khoa học cảnh báo một số ngôi làng sẽ phải bị bỏ hoang.

Tập đoàn Tepco hồi tháng Ba cho biết đã bị lỗ đến 781 tỉ yen trong năm tài chính vừa qua, do các chi phí phát sinh từ thảm họa Fukushima, và phải nhập khẩu dầu hỏa để sản xuất bù vào lượng điện bị thiếu hụt vì các nhà máy điện nguyên tử bị ngưng hoạt động. Được biết trong cuộc họp hôm qua, các cổ đông đã tranh cãi dữ dội, trước khi thông qua quyết định quốc hữu hóa tập đoàn này.

tags: Hạt nhân - Kinh tế - Năng lượng - Nhật Bản 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120628-tepco-rut-lui-khoi-ke-hoach-xuat-khau-lo-phan-ung-nguyen-tu-sang-viet-nam

"Đại sứ quán" Bắc Triều Tiên ở Nhật bị tịch biên


Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 
 
Báo chí Nhật ngày 28/06/2012 đưa tin, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã bật đèn xanh cho việc tịch biên trụ sở của một hiệp hội, được sử dụng như đại sứ quán của Bắc Triều Tiên tại Tokyo, vì không thanh toán nợ.

Cơ quan tư pháp cao nhất của Nhật đã công nhận quyết định của một tòa án ở Tokyo, cho phép bán đấu giá một tòa nhà cao 10 tầng nằm ngay trung tâm thủ đô nước Nhật, là tài sản của hiệp hội Chongryon.

Hiệp hội này bị cơ quan thu hồi nợ của chính phủ Nhật kiện ra tòa, đòi phải trả số tiền 62,7 tỉ yen (tương đương 630 triệu euro). Đây là các khoản tiền vay vẫn chưa được thanh toán, sau khi các định chế tài chính có liên quan đến chế độ Bình Nhưỡng bị phá sản.

Các văn phòng của Chongryon trong những năm gần đây đã bị khám xét nhiều lần, trong khuôn khổ các cuộc điều tra về việc vi phạm lệnh cấm vận các mặt hàng xa xỉ và vũ khí đối với Bắc Triều Tiên, hoặc về những vụ bắt cóc các công dân Nhật trong thập niên 1970 –19 80.

Nhật Bản, quốc gia từng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, không có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên kể từ khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt.

tags: Bắc Triều Tiên - Nhật Bản - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120628-dai-su-quan-bac-trieu-tien-o-nhat-bi-tich-thu
 

Philippines muốn làm rõ lý do tàu Trung Quốc quay lại Scarborough

Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 

Ngày 27/06/2012, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sẽ tìm cách làm sáng tỏ việc các tàu Trung Quốc quay lại bãi cạn Scarborough ở tây bắc Philippines, hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố đã rời vùng biển tranh chấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez nhắc lại, trước đó Manila và Bắc Kinh đã cùng cam kết sẽ rút hết các tàu chiến và tàu đánh cá ra khỏi khu vực tranh chấp để làm dịu tình hình. Ông Hernandez cho biết sẽ nêu vấn đề này ra với đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và nhấn mạnh việc tìm kiếm một giải pháp qua con đường ngoại giao, theo phương cách hòa bình.

Ngày 25/06/2012, Bộ Ngoại giao Philippines loan báo các tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên hai ngày sau máy bay của hải quân Philippines phát hiện có 6 tàu đánh cá Trung Quốc cùng với 17 tàu khác nhỏ hơn vẫn đang ở trong khu vực tranh chấp, còn bên ngoài thì 5 tàu hải giám của Bắc Kinh vẫn trấn giữ.

Theo Manila, bãi cạn Scarborough nằm cách thành phố Masinloc thuộc tỉnh Zamabales của Philippines 124 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 472 hải lý, cho nên Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, theo như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Cả Trung Quốc, Philippines và 162 quốc gia khác đều đã ký vào Công ước này.

Bắc Kinh bác bỏ luận điểm của Manila, cho rằng khoảng cách địa lý không thể là cơ sở để xác định chủ quyền mà chính Trung Quốc đã phát hiện ra bãi Scarborough và đưa ra các bản đồ cổ để chứng minh yêu sách.

Không chỉ có vùng bãi cạn Scarborough, Trung Quốc còn đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông. Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng là những nước tranh chấp vùng biển được xem là giàu tiềm năng dầu khí này.

Hãng tin AP đề cập đến việc Việt Nam phản đối tập đoàn CNOOC Trung Quốc gọi thầu tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và nêu ra quan ngại các tranh chấp có thể biến thành xung đột mạnh mẽ giữa các bên.

tags: Biển Đông - Châu Á - Philippines - Trung Quốc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120628-philippines-muon-lam-ro-ly-do-tau-trung-quoc-quay-lai-scarborough

Việt Nam kết án tù sáu người tổ chức vượt biên sang Úc


Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 
 
Sáu người Việt Nam chuyên tổ chức đưa người vượt biên sang Úc đã bị tòa án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết án từ ba năm đến sáu năm rưỡi tù giam. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ ngành tư pháp hôm nay 28/06/2012. 

Theo báo chí trong nước, người cầm đầu nhóm này là Nguyễn Đình Chiến, 48 tuổi, cùng với những người đồng lõa từ tháng 5/2010 đến tháng 4/2011đã tổ chức ba chuyến tàu đưa 124 người vượt biên đến Úc. Những người này sau đó đều bị phía Úc giam giữ trong các trại tị nạn, và nhiều người đã bị trục xuất về Việt Nam.

Hãng AFP dẫn nguồn tin từ báo Thanh Niên nói rằng, mỗi người vượt biên phải trả 150 triệu đồng Việt Nam (tương đương 5.600 euro). Cũng tờ báo này cho biết thêm, Nguyễn Đình Chiến bị lãnh án 6 năm và 5 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Toán bị kết án 6 năm tù, Nguyễn Văn Sơn 5 năm tù, Trần Văn Khanh, Hoàng Văn Thể và Trần Văn Minh cùng mức án 3 năm tù.

Còn theo báo Lao Động, ngày 24/06/2012, công an Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ 28 người đang trốn trên một chiếc tàu hoặc đang chuẩn bị lên đò trung chuyển ra tàu cá, để chờ được đưa sang Úc. Họ thú nhận đã trả số tiền tương đương 10.000 euro mỗi người với hy vọng tìm được “một cuộc sống mới tốt đẹp hơn”. 

Hãng thông tấn Pháp ghi nhận, ở Việt Nam tội vượt biên trái phép có thể bị lãnh án hai năm tù, tuy vậy vẫn có nhiều người tìm cách trốn ra nước ngoài do các khó khăn về kinh tế.

tags: Úc - Việt Nam - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120628-viet-nam-ket-an-tu-sau-nguoi-to-chuc-vuot-bien-sang-uc
 

Thượng viện Mỹ thúc giục đầu tư vào dầu khí Miến Điện

Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 

Một số thượng nghị sĩ Mỹ hôm qua 27/06/2012 cho biết đang có kế hoạch đẩy nhanh các thủ tục công nhận đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Miến Điện kể từ hai thập kỷ qua, đồng thời thúc giục cho phép đầu tư vào lãnh vực dầu khí tại quốc gia châu Á này.

Hôm 17/05/2012 Tổng thống Barack Obama đã đề cử ông Derek Mitchell, một chuyên gia về châu Á làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Miến Điện, sau khi tân chính phủ nước này đã có những cải cách ngoạn mục, trong đó có việc lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội.

Trong buổi điều trần về vấn đề trên, nhiều thượng nghị sĩ ủng hộ ông Mitchell. Thượng nghị sĩ Jim Webb, người đứng đầu tiểu ban Đông Á nói rằng ông hy vọng các thủ tục sẽ hoàn tất vào cuối tuần này.

Bên cạnh đó, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng thúc giục chính quyền Obama cho phép các công ty năng lượng Hoa Kỳ được đầu tư vào Miến Điện, như một phần của chính sách nới lỏng cấm vận. Họ lo sợ các công ty Mỹ sẽ bị thiệt thòi trước sự cạnh tranh của các nước khác.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe của bang Oklahoma cho rằng nếu loại trừ lãnh vực dầu khí thì sẽ là một sai lầm. Ông nói : « Tôi tin rằng các công ty Mỹ trong đó có các tập đoàn dầu khí, có thể đóng một vai trò tích cực trong nỗ lực chứng tỏ các tiêu chuẩn trách nhiệm cao, trách nhiệm đạo đức kinh doanh và tính minh bạch, kể cả việc tôn trọng nhân quyền tại Miến Điện ».

Các tổ chức nhân quyền lâu nay vẫn tố cáo các vụ lạm dụng của ngành công nghiệp dầu khí ở Miến Điện, với việc dân làng bị cưỡng bức lao động, và quân đội tịch thu các thu nhập để sử dụng vào những hoạt động của mình.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi hôm 14/06/2012 từ Genève, Thụy Sĩ đã khuyến cáo các công ty nước ngoài không nên hợp tác với tập đoàn quốc doanh Myanmar Oil and Gas Enterprise, cho đến khi Miến Điện ký kết các thỏa thuận về tiêu chuẩn trên thế giới, chẳng hạn quy tắc ứng xử minh bạch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

tags: Dầu khí - Hoa Kỳ (Mỹ) - Miến Điện 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120628-thuong-vien-my-thuc-giuc-dau-tu-vao-dau-khi-o-mien-dien

Thượng đỉnh để giải quyết khủng hoảng Châu Âu

Bài đăng : Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 28 Tháng Sáu 2012 
 
Trong hai ngày 28 và 29/06/2012 các nước châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles, nhằm cố gắng cứu vãn khu vực đồng euro ra khỏi các khó khăn hiện nay. Đây là tượng đỉnh lần thứ 19 kể từ khi khủng hoảng bùng nổ. Tuy nhiên một lần nữa khó thể tìm ra được một giải pháp khẩn cấp vì sự chia rẽ giữa các quốc gia Liên hiệp châu Âu.

Các nguyên thủ quốc gia của 27 nước thành viên sẽ phải xác định được chiến lược cho tăng trưởng và đề ra cơ sở cho một liên minh được củng cố, đặc biệt là trong lãnh vực ngân hàng. Đây là một kế hoạch dài hơi, cần được tiến hành trong nhiều năm. Tổng thống Pháp François Hollande trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng : Pháp và Đức muốn “đào sâu vấn đề liên minh kinh tế và tiền tệ, rồi sau đó sẽ đến chính trị”.

Tuy nhiên kế hoạch dài hạn này có nguy cơ không xoa dịu được thị trường và các nước đối tác, vốn đang chờ đợi các câu trả lời ngay lập tức cho cuộc khủng hoảng đã hoành hành tại khu vực đồng euro từ gần ba năm qua.

Khủng hoảng nợ công tuần này đã tăng lên khi Tây Ban Nha và Chypre đã trở thành quốc gia thứ tư và thứ năm trong liên minh tiền tệ châu Âu xin trợ giúp tài chính, sau Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm qua còn cảnh báo khẩn là với lãi suất hiện nay khoảng 7%, Madrid không thể tiếp tục huy động vốn dài hạn.

Nước Ý cũng lo sợ sẽ bị cuốn theo, khi lãi suất vốn huy động liên tục tăng từ nhiều tuần qua. Sáng nay trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý được giao dịch với lãi suất 6,19%. Tỉ lệ lãi cao do thị trường hoài nghi về sự tồn tại của khu vực đồng euro. Một số nước cố gắng thuyết phục nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức chấp nhận các giải pháp ngắn hạn để làm giảm áp lực trên thị trường.

Trong số các giải pháp này có việc tác động đến Quỹ hỗ trợ tài chính châu Âu (FESF) để quỹ này mua lại các món nợ công. Đây là việc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) xưa nay, nhưng ngân hàng này đã ngưng mua từ giữa tháng Ba. Tuy nhiên giải pháp này chỉ có thể xoa dịu thị trường ngắn hạn, vì vốn của FESF rất hạn chế so với BCE.

Một giải pháp nữa do Ý đề nghị là cho FESF giấy phép hoạt động ngân hàng để đi vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nhưng Đức đã bác bỏ việc FESF trực tiếp hỗ trợ các ngân hàng, một khi việc giám sát tài chính vẫn dừng lại trong phạm vi các quốc gia. Thủ tướng Ý Mario Monti cho biết sẵn sàng ủng hộ đề nghị của Đức về việc đánh thuế các giao dịch tài chính, với điều kiện Đức đồng ý cho can thiệp vào thị trường nợ. Tuy nhiên ông Monti khó thể làm lay chuyển được bà Merkel.

Bên cạnh đó, 27 nước châu Âu sẽ thông qua một hiệp ước về tăng trưởng và việc làm. Các nguyên thủ Ý, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã thỏa thuận sẽ dành 1% ngân sách châu Âu, khoảng từ 120 đến 130 tỉ euro cho các dự án đầu tư trong tương lai. Đề nghị của Chủ tịch châu Âu Herman Van Rompuy về liên minh tiền tệ và ngân sách cũng sẽ được xem xét trong hội nghị thượng đỉnh lần này, bắt đầu bằng việc phác thảo ra một liên minh ngân hàng được giám sát chặt chẽ.

tags: Châu Âu - Khủng hoảng - Tài chính 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120628-thuong-dinh-lan-thu-19-de-giai-quyet-khung-hoang
 

mercredi 27 juin 2012

Miến Điện : Một chính sách mở cửa do chính quyền định đoạt

Thân nhân chào đón những người tù chính trị được trả tự do.
Bài đăng : Thứ tư 27 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 27 Tháng Sáu 2012 
Thông tín viên nhật báo La Croix tại Bangkok trong bài viết mang tựa đề “Một chính sách mở cửa do chính quyền tự định đoạt” đã nhận xét, bà Aung San Suu Kyi duy trì một quan hệ tin cậy với chính phủ. Tuy nhiên tiếng nói của các phe đối lập đòi dân chủ vẫn chưa được gắn kết với các cải cách đang được tiến hành tại Miến Điện.

Bài báo viết, bà Aung San Suu Kyi có thể chu du châu Âu một cách thoải mái, vì người cựu tù bị quản thúc biết rằng có thể trở về Răngun để theo đuổi cuộc đấu tranh vì dân chủ. Được bầu làm dân biểu vào tháng Tư, tháng sau đó bà đã được cấp hộ chiếu, và nay bà tỏ ra tin cậy ở chính phủ. Bộ máy dân sự không còn tìm cách cản bước bà nữa.

Asma Al Assad: Chồng giết chóc, vợ shopping

Bà Asma và chiếc áo in dòng chữ "Đất nước xinh đẹp của tôi"
Vài tháng sau khi bị phát hiện thói quen tiêu tiền như nước, một lần nữa báo chí phương Tây lại phải nói đến bà Asma Al Assad, đệ nhất phu nhân Syria, lần này vì…chiếc áo thun của bà.


Tờ báo Bild (Đức) và Journal du Dimanche (Pháp) hôm Chủ nhật 24/06/2012 đăng tấm ảnh vợ nhà độc tài Syria, đôi chân trần (nhưng tô vẽ cẩn thận) và chiếc áo thun mang dòng chữ “Đất nước xinh đẹp của tôi”. Bức ảnh chụp tại Damas hôm thứ Tư 20/6, khi bà Asma đến dự buổi tập luyện của ê-kíp cầu lông Syria chuẩn bị tham dự Paraolympic tại Luân Đôn.


Người ta xem đây là thái độ khiêu khích mới của Asma Al Assad. Trong khi bà nhởn nhơ vui chơi, thì trên “đất nước xinh đẹp” Syria đã có 15.000 người đã thiệt mạng. Chỉ riêng trong ngày thứ Bảy 23/6, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria đã ghi nhận được có 100 người chết, đa số là thường dân!
Người phụ nữ xinh đẹp, học thức từng được mệnh danh là “Đóa hồng sa mạc” này, đã tai ngơ mắt lấp trước những gì diễn ra trên một đất nước mà hàng ngày máu vẫn đổ, trong đó có không ít trẻ em vô tội.
Trước đó hôm 14/3 nhật báo Anh The Guardian đã công bố nội dung 3.000 email cá nhân do bà Asma Al Assad gởi hay nhận được từ tháng 3/2011 đến tháng 2/2012, do phe đối lập hack được. Rõ ràng trong khi ông chồng Tổng thống Bachar Al Assad thẳng tay tàn sát chính người dân nước mình, thì đệ nhất phu nhân là bà Asma vô tư vung tiền shopping.
Có thể kể một đợt mua sắm 63.000 USD gồm nữ trang, giày dép, đồ đạc, tranh nghệ thuật…giá cả mỗi món hàng ngàn đô la như sau:
Bình hoa của Harrods
·        Một chiếc bình hoa cổ đời Minh, mua từ cửa hàng Harrods sang trọng của Anh, giá 4.150$
·        Một cây đèn hiệu Armani
·        Nhiều đôi giày hiệu Christian Louboutin có tổng trị giá 13.500$, tuy trong email không nói rõ là bà Asma có mua hẳn hay chưa. Bà có chuyển cho hai người bạn, ghi chú là các mẫu giày độc đáo này không được bán rộng rãi, nhưng những người này trả lời là hiện tại họ thấy chưa cần phải mua thêm giày.
Giày hiệu Christian Louboutin bà Asma  mua
·        Đèn chùm, bàn và giá nến trị giá 46.000$ tại một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất ở Paris.
Bộ bàn ghế hiệu Domain
·        Bốn vòng cổ bằng vàng tại một cửa hiệu nữ trang sang trọng ở Paris, được bà Asma mô tả cụ thể là:
Ø     1 lam ngọc dát kim cương
Ø     1 mã não dát kim cương
Ø     1 mã não đen huyền dát kim cương
Ø     1 thạch anh tím, vàng trắng, dát kim cương
Đồ trang trí thủ công dát bạc
·        Bà cũng gởi email cho một nhà buôn tranh ở Luân Đôn đặt mua một số bức tranh có giá từ 7.000$ đến 55.000$.
Link tham khảo:
***
Một trong những bức tranh bà Asma đặt mua
Tờ báo châm biếm Pháp Le Canard Enchaîné (Con Vịt Buộc) đã thử so sánh:
Ngày 19/07/2011, ba trăm sinh viên bị bắt ở Alep, miền bắc Syria, bị buộc tội “phá hoại”.
Cùng ngày, một người anh em họ từ Paris gởi mail cho bà Asma về một món nữ trang mà bà đã đặt hàng:“Tôi không còn màu xanh ngọc nữa, cô có muốn thay thế bằng thạch anh hồng hay vàng cũng màu hồng không? Love”.
Ngày 04/08/2011, mười sáu thường dân bị sát hại ở Homs.
“Anh có nghĩ là sợi dây chuyền đó có thể làm xong vào cuối tháng 8 hay không? Em cần để làm quà sinh nhật, nhưng đừng lo, nếu em nhận được trễ hơn cũng không sao” – bà Asma trả lời.
Ngày 29/09/2011, hai mươi bốn thường dân bị giết hại ở Syria.
Asma Al Assad đặt mua một số bức tranh tại một galerie, với tổng số tiền 35.000 euro. Bà còn muốn mua thêm “hai giá nến, hai chiếc cốc, một chiếc bàn thấp, một bộ đèn chùm” sang trọng.
Ngày 20/11/2011, Liên đoàn Ả Rập bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt thương mại chế độ Syria.
Asma thư giãn trên mạng, viết thư cho một người bạn gái Liban: “Nếu bạn đến thì mang cho mình bản Harry Potter mới nhất được không? “Bảo bối tử thần tập 2”. Thân ái”.
Ngày 20/01/212, sau khi đặt mua những đôi giày hàng hiệu, một mớ nữ trang và một chiếc áo blouson cho nhà độc tài Syria, “đóa hồng” phù phiếm của sa mạc nhờ một người bạn tìm mua trên Amazon “một bộ nồi nấu lẩu” (set de fondue) để tổ chức một “bữa tối trong gia đình”.
Tờ báo chơi chữ: “Fondue, c’est le mot”. (Fondue là món nấu bằng cách nhúng thực phẩm vào một chất lỏng như nước dùng, dầu, rượu vang, tương tự như món lẩu của Việt Nam ; nhưng cũng có nghĩa là « tan rã »).
Link tham khảo:
***
Hội đồng châu Âu hôm 15/6 vừa quyết định cấm xuất khẩu các hàng hóa sang trọng và các sản phẩm dân sự nhưng cũng có thể dùng cho quân sự sang Syria, kể từ Chủ nhật 17/6. Người đứng đầu về ngoại giao của châu Âu, bà Catherine Ashton nói rõ: “Các biện pháp trừng phạt này nhắm vào những người có trách nhiệm trong việc đàn áp và sử dụng bạo lực kinh khiếp nhắm vào thường dân. Quyết định mà chúng tôi đưa ra hôm nay đã được cân nhắc rất kỹ, để không ảnh hưởng đến người dân Syria”.
Trong số những mặt hàng xa xỉ bị cấm có thể kể:
-         Trứng cá muối, nấm truffe có giá bán trên 10 euro/đơn vị.
-         Rượu vang có giá trên 50 euro/lít.
-         Túi xách giá trên 200 euro; quần áo, giày dép giá trên 600 euro, nữ trang, đá quý và ngọc trai.
-         Chén dĩa ly tách, đồng hồ treo tường và đeo tay giá trên 500 euro, các mặt hàng pha lê giá trên 200 euro.
-         Xe hơi hạng sang, máy bay và tàu, và riêng xe hơi mới thì giá trên 25.000 euro.
Trong các email đặt hàng nói trên, bà Asma sử dụng tên của một cô thư ký, nhưng các file đính kèm thì có những tấm hình riêng tư của gia đình bà.
Liệu lần này lệnh cấm xuất khẩu xa xí phẩm sang Syria của châu Âu, có chấm dứt được cơn say mua sắm của bà Asma?



mardi 26 juin 2012

Hà Nội phản đối việc Trung Quốc gọi thầu tại thềm lục địa Việt Nam

Một đảo nhỏ nửa nổi nửa chìm tại Biển Đông.
Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 

Hôm nay 26/06/2012 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng khẳng định việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “phi pháp, vô giá trị, và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”. Phía Việt Nam “cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay việc gọi thầu sai trái trên”.

Được biết ngày 23/6 Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ra thông báo mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam.
Tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay nêu rõ, chín lô dầu khí trên đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp, mà thuộc chủ quyền Việt Nam, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo tuyên bố trên : “Việc Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà chính Trung Quốc là thành viên, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông”.

Hà Nội “cực lực phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên” “nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông".

Ngược lại, Tân Hoa Xã hôm nay trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi “yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng thỏa thuận song phương về các tranh chấp trên biển”. Liên quan đến việc gọi thầu của CNOOC, mà theo trang web của tập đoàn này thì 9 lô dầu khí trên trải rộng trên một diện tích lên đến 160.000 km2, ông Hồng Lỗi cho rằng đây chỉ là một “hoạt động kinh doanh bình thường”“phù hợp với luật pháp Trung Quốc cũng như thông lệ quốc tế”.

Bên cạnh đó, đài phát thanh Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã hôm qua cho biết, tỉnh Hải Nam sẽ hoạch định bốn “khu bảo tồn di sản văn hóa” trên quần đảo Hoàng Sa, tại các đảo Đá Bắc, Đá Lồi, Đá Chim Yến, và nhóm đảo Lưỡi Liềm & Trăng Khuyết & Nguyệt Thiềm.

tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Dầu khí - Lãnh hải - Trung Quốc - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120626-ha-noi-phan-doi-viec-trung-quoc-goi-thau-tai-them-luc-dia-viet-nam

Lào ngưng giao đất để khai thác mỏ và trồng cao su

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Chính phủ Lào đã quyết định ngưng việc giao đất để khai thác quặng mỏ và trồng cao su, từ nay cho đến năm 2015. Theo AFP, báo chí nhà nước Lào hôm nay 26/06/2012 đã cho biết như trên. Quyết định được đưa ra sau khi Quốc hội Lào tỏ ý lo ngại trước một loạt dự án truất hữu đất đai của dân làng, và ảnh hưởng đến môi trường.

Tờ Vientiane Times trích lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, Somdy Duangdy nói rằng : « Chính phủ sẽ không xem xét bất cứ đề nghị đầu tư mới nào vào lãnh vực khai khoáng, hay xin giao đất để trồng cao su và bạch đàn, cho đến ngày 31/12/2015 ».

Quyết định này được đưa ra sau khi « các thành viên Quốc hội Lào tỏ ra lo ngại trước một loạt dự án triển khai hay lấn chiếm đất đai của dân làng, và làm ảnh hưởng đến môi trường ».

Bộ trưởng Somdy Duangdy ghi nhận là có những dự án đã được giao đất trong khi chưa hề xem xét « đất nào là thuộc Nhà nước, đất nào thuộc về dân địa phương ». Ông nói thêm, chính phủ sẽ cân nhắc lại chính sách đền bù cho các nông dân bị trưng thu đất đai.

Lào là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và đầu tư vào khai thác quặng mỏ là một lãnh vực quan trọng. Từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 5,5 tỉ đô la được đầu tư vào lãnh vực này, trên tổng số 24,4 tỉ đô la vốn đầu tư, trong đó có gần 20 tỉ đô la là vốn nước ngoài.

Các trường hợp nông dân bị tịch thu đất hay việc cả một làng phải di dời để lấy đất dành cho xây dựng một con đường, một hầm mỏ hay một đập thủy điện, trong khuôn khổ các dự án tái quy hoạch đất đai, vốn thường xuyên xảy ra tại Lào.

Bộ trưởng Somdy nói : « Tôi nghĩ chúng ta cần có sự tham gia của người dân địa phương trong tất cả các dự án phát triển để tránh được các vấn đề sai sót. Tất cả các dự án không được người dân tại chỗ ủng hộ sẽ không được thông qua ».

tags: ASEAN - Châu Á - Kinh tế - Lào 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-lao-ngung-giao-dat-de-khai-thac-mo-va-trong-cao-su
 

Chồng của sản phụ Trung Quốc bị buộc phá thai 7 tháng tuổi bỗng dưng mất tích

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Người chồng của bà Phùng Kiến Mai, sản phụ bị cưỡng bức phá bỏ cái thai bảy tháng vì không có tiền đóng phạt khiến cho dư luận Trung Quốc vô cùng phẫn nộ, đã bị mất tích. Một người thân của hai vợ chồng hôm nay 26/06/2012 cho hãng tin Pháp AFP biết như trên, và nói thêm rằng gia đình này hàng ngày đều bị quấy nhiễu.

Bà Phùng Kiến Mai (Feng Jiangmei) đã có một đứa con, khi sinh thêm con thứ hai phải đóng số tiền phạt lên đến 40.000 nhân dân tệ (tương đương 4.880 euro) vì vi phạm chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của Trung Quốc.

Một tấm hình cho thấy bà nằm trên giường bệnh viện, bên cạnh là thai nhi đẫm máu vừa bị buộc phải phá bỏ vì không có tiền đóng phạt, đã làm dấy lên một loạt những lời bình đầy phẫn nộ của cư dân mạng Trung Quốc vào giữa tháng Sáu.

Chồng bà là ông Đặng Cát Nguyên (Deng Jiyuan) đã bị mất tích từ hôm Chủ nhật 24/6. Một người thân của gia đình muốn giấu tên nói rằng : « Lần cuối cùng tôi trông thấy ông ấy, thì lúc đó ông đang ra khỏi nhà và nói với tôi rằng, ông đi đến chỗ một viên chức muốn gặp ông. Từ đó đến nay không thấy ông Đặng ở đâu nữa ».

Hôm nay ông Đặng Cát Nguyên có gọi điện thoại về cho gia đình, nhưng vẫn không nói ông đang ở đâu, và bao giờ mới trở về nhà. Cả công an huyện Trấn Bình (Zhenping), nơi ông cư ngụ, lẫn chính quyền thành phố An Khang (Ankang) thuộc tỉnh Thiểm Tây đều không trả lời hãng tin Pháp.

Nguồn tin trên nói thêm, từ hôm Chủ nhật gia đình này đã bị nhiều người không rõ danh tính quấy nhiễu. Khi gia đình rời bệnh viện, « nhiều người đã chờ sẵn ở đó. Họ treo các băng-rôn lên trên một chiếc cầu, và nhiều người la ó mắng chúng tôi là những kẻ phản phúc. Nay thì chúng tôi đi đâu cũng có người đi theo ».

Chính quyền Trung Quốc đã nhìn nhận là người phụ nữ trên đã bị buộc phải phá thai trong khi thai nhi đã được bảy tháng, hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ sự việc, và trừng phạt những người có trách nhiệm.

Việc cưỡng bức phá thai thường xuyên diễn ra tại Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới với 1,34 tỉ người. Chính quyền Bắc Kinh đã thi hành một chính sách ngặt nghèo từ cuối thập niên 70 nhằm hạn chế sinh đẻ. Theo quy định chung, thì người dân sống tại các thành phố chỉ có thể có một đứa con, còn ở nông thôn thì được phép sinh thêm con thứ hai nếu đứa đầu là con gái.

tags: Châu Á - Nhân quyền - Trung Quốc - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-chong-cua-san-phu-trung-quoc-bi-buoc-pha-thai-7-thang-tuoi-bong-dung-mat-tich
 

Người nhập cư gốc Tứ Xuyên xung đột với công an và dân Quảng Đông

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 

Những cuộc đụng độ với hàng ngàn người tham gia - những người nhập cư gốc gác Tứ Xuyên đối đầu với dân địa phương một làng ở Quảng Đông và công an - đã xảy ra tối qua làm 30 người bị thương. Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Dân chủ tại Trung Quốc, trụ sở ở Hồng Kông hôm nay 26/06/2012 cho biết như trên.

Chủ một nhà máy dệt may ở trấn Sa Khê, huyện Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông nói với AFP là các vụ xung đột đã bắt đầu từ trưa thứ Hai 25/6, và lan rộng ra vào buổi tối, với nhiều ngàn người tham gia. Theo Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Dân chủ tại Trung Quốc, thì đã có 30 người bị thương và ít nhất hai xe công an bị hư hại. Cả hai nguồn tin trên đều cho biết nguyên nhân là từ vụ ẩu đả giữa hai thiếu niên, một là người nhập cư và một là dân địa phương.

Doanh nhân trên nhìn thấy ba người dân địa phương đã đánh đập nhiều thanh niên nhập cư, lấy túi nhựa trùm lên đầu họ, khiến nhiều người phải nhập viện.

Công an trấn Sa Khê đã xác nhận các cuộc đụng độ trên. Một nhân viên công an giấu tên cho AFP biết hiện lực lượng công an đang ở bên ngoài trụ sở chính quyền địa phương, điều tra về vụ này. Theo một thông tin trên mạng Vi Bác, thì hôm nay có đông đảo công an được huy động đến Sa Khê.

Là trái tim của “công xưởng thế giới” Trung Quốc, tại Quảng Đông có hàng chục ngàn người nhập cư đến kiếm sống, họ không được hưởng những quyền lợi như người tại chỗ. Các vụ xô xát vẫn thường xuyên xảy ra giữa dân nhập cư và dân địa phương.

Cách đây một năm, các vụ đụng độ đã từng nổ ra ở Tân Đường, vùng ngoại ô Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Tại đây có khoảng 200.000 người địa phương, và từ 500.000 đến 600.000 người nhập cư không đăng ký và không được hưởng các phúc lợi xã hội, trong khi họ đã có gia đình. Các cuộc biểu tình đã diễn ra sau vụ công an địa phương bức hiếp hai vợ chồng bán hàng rong gốc Tứ Xuyên, mà người vợ đang mang thai.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-hang-ngan-nguoi-nhap-cu-xung-dot-voi-dan-dia-phuong-va-cong-an-tai-tu-xuyen

Bắc Triều Tiên hành quyết bốn người tị nạn bị Trung Quốc trả về


Người tị nạn BTT tại HQ thả bong bóng chứa truyền đơn tố cáo Bình Nhưỡng.
Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Theo một nhà đấu tranh ở Hàn Quốc hôm qua 25/06/2012 thì Bắc Triều Tiên đã công khai hành quyết bốn người tị nạn trong số 44 người bị Trung Quốc trả về, và tống 40 người còn lại vào trại tập trung.

Ông Kim Heung Kwang, người phụ trách NK Intellectuals Solidarity, một tổ chức tập hợp những người Bắc Triều Tiên đã đào thoát sang Hàn Quốc, dẫn nguồn tin giấu tên từ Bình Nhưỡng cho biết, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã gởi trả về Bắc Triều Tiên 44 người tị nạn. Bốn người trong số này đã bị đem ra hành quyết công khai, 40 người còn lại bị đưa vào trại cải tạo tù chính trị.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.

Theo các tổ chức nhân quyền ở Hàn Quốc, tại Bắc Triều Tiên hiện có khoảng sáu trại tập trung cải tạo, giam giữ khoảng 200.000 tù nhân. Trong những năm gần đây, hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên tìm cách chạy trốn nạn đói và đàn áp.

Những người Bắc Triều Tiên đào thoát thường trốn sang Trung Quốc, sau đó tìm đường đến các quốc gia Đông Nam Á khác để sang được Hàn Quốc. Tuần qua có 19 người tị nạn Bắc Triều Tiên đã bị bắt giữ tại Thái Lan. Bắc Kinh nói rằng những người đào thoát là tị nạn kinh tế chứ không phải tị nạn chính trị, và luôn gởi trả lại Bình Nhưỡng, bất chấp sự lên án của các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nhân quyền - Pháp luật - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Đàn áp 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-bac-trieu-tien-hanh-quyet-bon-nguoi-ti-nan-bi-trung-quoc-tra-ve
 

Đảng cầm quyền Nhật Bản có nguy cơ bị tan rã

Bài đăng : Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 26 Tháng Sáu 2012 
 
Đảng Dân chủ Nhật (PDJ) đang cầm quyền do đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda làm chủ tịch có nguy cơ bị tan rã, sau khi Hạ viện hôm nay 26/06/2012 thông qua một đạo luật tăng gấp đôi thuế đánh vào người tiêu thụ. Đây là chủ trương tâm đắc của chính phủ, nhưng bị một nhóm ngay trong nội bộ đảng Dân chủ chống đối.

Sau nhiều tháng thương lượng với các đảng đối lập là đảng Dân chủ Tự do (PLD, cánh hữu) và New Komeito (cánh trung) về việc cải cách thuế khóa và hệ thống phúc lợi xã hội, hôm nay Hạ viện Nhật đã thông qua đạo luật này với 363 phiếu thuận và 96 phiếu chống, trong đó có đến 57 phiếu chống của các dân biểu đảng Dân chủ (cánh trung tả).

Đạo luật đưa ra lộ trình tăng thuế trị giá gia tăng (VAT) lên 10% trong vòng ba năm, tức là gấp đôi so với hiện nay, chia làm hai giai đoạn. Mục đích là nhằm tái cân bằng phần nào nguồn thu của chính phủ, lâu nay hơn phân nửa là nhờ phát hành trái phiếu, làm tăng tỉ lệ nợ công của Nhật vốn đã rất cao.

Thủ tướng Yoshihiko Noda hôm qua đã gắng sức thuyết phục các thành viên của đảng mình, ba lần khẩn thiết đề nghị « tận đáy lòng ». Nhưng ông Noda phải đối mặt với sự chống đối dữ dội trong nội bộ đảng, do ông Ichiro Ozawa, một đảng viên lão thành rất thế lực giật dây.

Ông Ozawa, 70 tuổi, vốn là người đã tổ chức thành công thắng lợi lịch sử của đảng Dân chủ tháng 8/2009. Ông được mệnh danh là « tướng quân trong bóng tối » hay « kẻ hủy diệt », do xu hướng sử dụng các mánh khóe trong hậu trường, và thành lập rồi lại giải tán các đảng chính trị.

Trong số những người cùng bỏ phiếu chống với ông Ichiro Ozawa còn có cựu Thủ tướng và là người sáng lập ra đảng Dân chủ, ông Yukio Hatoyama. Ông Hatoyama biện minh thái độ của mình là « Luật này không có trong chương trình hành động đã đưa đảng Dân chủ lên nắm quyền », và nói thêm là tuy chống đối đạo luật nhưng ông không có ý định rời khỏi đảng.

Còn ông Ozawa cho rằng, việc tăng loại thuế gián thu này hiện nay không mang lại lợi ích kinh tế, bên cạnh đó, còn là sự bội ước so với những hứa hẹn của đảng Dân chủ trước đây. Theo ông thì trước hết chính phủ cần giảm chi tiêu và khắc phục nạn quan liêu, thay vì bắt các công dân phải trả giá.

Ông Ichiro Ozawa đe dọa sẽ rời khỏi đảng Dân chủ, kéo theo một số dân biểu trung thành với ông để thành lập đảng mới. Nếu điều này xảy ra, thì đảng Dân chủ có nguy cơ bị mất đa số ở Hạ viện, và Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ phải đương đầu với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến việc phải bầu lại Quốc hội trước thời hạn dự kiến là giữa năm 2013. Đây là điều mà đảng Dân chủ Tự do (PLD) đang mong muốn. Vốn liên tục cầm quyền từ hơn nửa thế kỷ qua, PLD ba năm qua đành chấp nhận vị trí đảng đối lập thiểu số.

Tuy nhiên vẫn chưa thể biết được số lượng dân biểu sẽ tách ra theo ông Ozawa, điều này còn tùy thái độ của đảng cầm quyền và các biện pháp trừng phạt dành cho những dân biểu ly khai. Dự luật tăng thuế còn phải được trình lên Thượng viện vào giữa tháng Tám, tuy đa phần chỉ là hình thức.

Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đã hoan nghênh một quyết định « mang tính tích cực về tín dụng » sau « nhiều năm khất nợ », và cảnh báo là sẽ xem xét lại chỉ số tín nhiệm của Nhật Bản, nếu dự luật tăng gấp đôi thuế trị giá gia tăng bị bác bỏ.

tags: Châu Á - Chính trị - Nhật Bản 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120626-dang-cam-quyen-nhat-ban-co-nguy-co-bi-tan-ra
 

dimanche 24 juin 2012

Biển Đông: Lãnh đạo Việt Nam cần có dũng khí, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc trên tất cả

Bài đăng : Chủ nhật 24 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 24 Tháng Sáu 2012 
 
Như chúng ta đã biết, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay lập tức Trung Quốc đã kịch liệt phản đối, triệu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh lên để kháng nghị, đồng thời nâng cấp hành chính vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quốc vụ viện tức Quốc hội Trung Quốc cũng đòi hỏi Quốc hội Việt Nam phải « sửa đổi ».

Việc Luật Biển được thông qua với số phiếu áp đảo đã được người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhân sĩ trí thức đón nhận như thế nào ? Chúng tôi đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Ông Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh
 
24/06/2012
 
 
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, ông có nhận xét như thế nào về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Chúng tôi rất hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó có điều khoản xác định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Việt Nam. Đây là một cơ sở pháp lý để cho nhân dân Việt Nam đấu tranh, cũng như khẳng định với thế giới chủ quyền Việt Nam trong các vùng biển đảo mà Trung Quốc hiện nay đang ngày càng tìm cách để khẳng định là của họ, bất kể luật pháp quốc tế. Nghị quyết của Quốc hội tạo cái khung pháp lý để mình đấu tranh trong nước cũng như ở khu vực và trên thế giới.

Theo tôi đây là hơi chậm, bởi vì tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như việc Trung Quốc khẳng định đường lưỡi bò hình chữ U, đáng lẽ mình phải có phản ứng nhanh. Nhưng dù sao chậm còn hơn không. 

Bên cạnh đó chúng tôi phản đối thái độ xấc láo, trịch thượng của Trung Quốc khi Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết về Luật Biển. Mà có thể nói họ phản ứng rất nhanh. Và họ trịch thượng ở chỗ là họ triệu tập đại sứ của mình đến để phản đối. Trong khi đó thì họ bách hại ngư dân mình, họ có những hành động ngăn cản các tàu khai thác dầu khí của mình, thì mình lại không triệu tập đại sứ của họ ! 

Tôi cho đây là một quan hệ không bình đẳng. Tôi chưa thấy lần nào Việt Nam triệu tập đại sứ Trung Quốc đến. Trong khi đó mình vừa ra Luật Biển là họ đã triệu tập đại sứ của mình, và ngay lập tức họ nâng cấp lên thành một đơn vị hành chính cao hơn ở Hoàng Sa và Trường Sa. 

Luật Biển thì Quốc hội đã thông qua, nhưng vấn đề ở đây là tôi nghĩ chúng ta phải có biện pháp thực hiện luật đó như thế nào, để bảo vệ vùng biển, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chứ còn nếu có luật rồi mà vẫn cứ để ngư dân bị bách hại như vậy thì không được. Tôi đề nghị chính phủ Việt Nam phải có những biện pháp kiên quyết hơn nữa.

RFI : Thưa, có được Luật Biển thì dù sao Việt Nam đã có cơ sở pháp lý để đấu tranh về lãnh hải trên Biển Đông ?

Nhưng một điều mà chúng tôi rất quan ngại, không phải chỉ là vấn đề Biển Đông. Tôi không hiểu việc quản lý nhà nước của mình ra sao mà lại để cho người Trung Quốc bây giờ - dùng chữ tràn ngập thì hơi quá -nhưng mà ở đâu cũng có người Trung Quốc. Vừa rồi phát hiện ở Cam Ranh, ở Vũng Rô, còn cách đây hai ba năm thì vấn đề cho thuê đất rừng ở các vùng xung yếu, rồi vấn đề bauxite Tây nguyên…Tức là những vùng chiến lược quan trọng cũng có mặt người Trung Quốc. Mà như vậy không biết bao nhiêu là lực lượng dân sự, bao nhiêu là lực lượng quân sự. Rồi đến tận mũi Cà Mau bây giờ cũng có họ.

Đó là chưa nói về vấn đề họ xâm nhập vào lãnh vực kinh tế, và họ sẽ có những cách để phá hoại nền kinh tế của chúng ta. Mà bằng chứng là bây giờ họ rải người đi khắp nơi thu mua nông sản, hải sản ; họ làm giá, rồi cuối cùng không mua nữa làm cho nông dân chúng ta bị điêu đứng. Thì tôi nghĩ là phải thấy âm mưu rất là thâm độc của Trung Quốc. Đó là chưa nói còn có khả năng lũng đoạn về mặt chính trị, qua tiền bạc.

Ví dụ vấn đề cho thuê đất rừng, rồi vấn đề những bè cá ở Vũng Rô hay ở Cam Ranh. Tại sao lại lọt lưới những việc đó ? Tôi nghĩ là họ dùng tiền để mua chuộc một số cấp chính quyền của mình, để cho họ làm những việc đó. Có thể nói việc lũng đoạn về mặt chính trị rất là nguy hiểm. 

Một Nhà nước quản lý từ trung ương đến địa phương mà lại mất cảnh giác đối với Trung Quốc, để cho họ đi vào lãnh thổ Việt Nam một cách dễ dàng như thế. Nói như anh Hồ Ngọc Nhuận vừa rồi là nếu không có chủ trương thì làm sao lại để như vậy. Và nếu cấp chính quyền nào, kể cả chính quyền trung ương mà để vậy thì phải bị kỷ luật. Bởi vì vấn đề ở đây không đơn thuần là kinh tế nữa mà là vấn đề an ninh quốc gia. 

Thành ra chúng ta nếu chỉ bảo vệ Biển Đông không thôi, trong khi ở nội địa người Trung Quốc lũng đoạn trong nhiều lãnh vực như vậy mà ta không có biện pháp ngăn chặn, về mặt chính trị, kinh tế, kể cả y tế. Báo chí hiện nay đang đặt vấn đề các phòng mạch của các ông gọi là « thầy thuốc » Trung Quốc, các phòng khám bệnh lậu. Như vậy là họ thâm nhập rất sâu, trong rất nhiều lãnh vực rồi. 

Bây giờ chúng ta đã thấy cái nguy hiểm đó rồi, thì đề nghị chính phủ phải kiên quyết nắm lại tình hình, và phải đưa những người Trung Quốc mà đi vào Việt Nam bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hoặc gọi là « hợp pháp » thì chúng ta cũng phải xem xét lại có phải thật sự là hợp pháp hay không. 

Tình hình hiện nay tôi cho là rất nghiêm trọng rồi, nhiều người dân rất quan tâm. Dân thì rất lo lắng, nhưng tại sao lãnh đạo lại không thấy việc đó thì tôi hơi ngạc nhiên. Có cái gì khuất tất trong này. Tôi thấy bên cạnh việc ra Luật Biển còn phải có những biện pháp đối phó với Trung Quốc một cách toàn diện, chứ không thể lơ là, để cho họ khuynh loát. 

RFI : Nhưng chỉ mới vừa ra Luật Biển thôi mà Trung Quốc đã phản ứng dữ dội như vậy. Nếu thực sự áp dụng trong thực tiễn, liệu Trung Quốc sẽ có những hành xử mạnh mẽ hơn, bất lợi cho Việt Nam ?

Tôi cho rằng bản chất của chính quyền Bắc Kinh là bành trướng, thành ra họ bỏ vòi ra không chỉ ở Biển Đông, mà ở châu Phi rồi nhiều nơi khác nữa. Cái phản ứng đó tôi cho là mình cũng thấy trước được, vì vậy chúng ta không sợ phản ứng đó. Vấn đề là chúng ta phải sẵn sàng đối phó lại.

Trước đây cha ông ta đánh thắng quân Nguyên, quân Thanh là trong hoàn cảnh có thể nói về mặt quốc tế là không có ai ủng hộ chúng ta cả, mà chúng ta đánh thắng một đội quân hùng như vậy là dựa vào nội lực của dân tộc. Trong khi đó tình hình quốc tế bây giờ rất là thuận lợi.

Có thể nói là gần như Trung Quốc hiện nay đang bị bao vây, bởi các nước ở Đông Nam Á, ở Nam Á. Ví dụ Úc, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, đó là chưa nói đến sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á gần đây, và việc Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta thăm Cam Ranh, Việt Nam. Mà điểm đầu tiên đến là Cam Ranh thì cũng có một ý nghĩa nhất định.

Chúng ta không chủ trương dựa vào nước này để chống lại nước khác, nhưng dựa vào sức mạnh của quốc tế hiện nay, để bảo vệ những quyền và quyền lợi chính đáng của đất nước chúng ta. Để chống lại bất cứ ai có ý đồ xâm lược, có ý đồ bành trướng lên đất nước chúng ta.

Ngoài ra trong nước qua việc biểu quyết Luật Biển thì thấy gần như là đa số áp đảo, chỉ có một người là chống thôi ! Như vậy chứng tỏ ý chí và nguyện vọng của người dân Việt Nam là chống lại những hành động bành trướng của Trung Quốc. Và việc Quốc hội ra Luật Biển cũng là thể hiện được phần nào nguyện vọng của dân.

Do đó nếu Quốc hội đã ra Luật Biển với điều khoản là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Việt Nam, thì cớ gì hiện nay ví dụ Trung Quốc nâng cấp thành cấp hành chính cao hơn thì tại sao chúng ta lại không để dân biểu tình phản đối. Phản đối việc làm đó của Trung Quốc, và phản đối cái thái độ trịch thượng của họ. Tại sao dân Philippines đi biểu tình được mà dân ta thì không được ? 

Chính phủ phải suy nghĩ lại về việc này. Biểu tình vì động cơ chính đáng, động cơ yêu nước thì cứ để cho người dân người ta biểu tình. Nhất là đối với Trung Quốc, phải kết hợp giữa sức mạnh quốc tế với sức mạnh của lòng dân, sức mạnh nội lực của Việt Nam, thì chúng ta không sợ gì cả. 

RFI : Không chỉ thái độ hung hăng của Trung Quốc, việc tăng cường quân sự làm cho thế giới e dè, mà bản thân Trung Quốc cũng có những vấn đề nội tại…

Thật ra bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có lắm vấn đề. Nhân dân Trung Quốc khắp nơi cũng đang nổi dậy, rồi vấn đề Tân Cương, vấn đề Tây Tạng…Thành ra nói vậy chứ Trung Quốc không phải là mạnh đâu, mà bản thân họ cũng có những điểm yếu của họ, không thể nào tự tung tự tác được. 

Tôi nghĩ khi mình có một quyết định đúng đắn nào đó, mà đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối thế này thế kia, chúng ta không ngại điều đó. Mà chúng ta chỉ ngại rằng Nhà nước chúng ta liệu có đủ bản lĩnh, có đủ dũng khí để mà đương đầu với Trung Quốc, những khi họ xâm phạm những quyền và lợi ích chính đáng của đất nước chúng ta, thông qua việc xâm phạm vùng biển, hải đảo của chúng ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.

Ý kiến cuối cùng của tôi là trước tình hình như vậy - với tư cách đảng viên, tôi đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam, và với tư cách công dân, tôi đề nghị chính phủ Việt Nam - phải đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết ! Không vì lợi ích của phe nhóm hoặc lợi ích riêng của một ai, mà để cho tình hình xấu đi, để cho những hiện tượng vi phạm an ninh quốc gia như chúng tôi đã nói ở trên ngày càng nghiêm trọng thêm. Nó đe dọa sự tồn vong của đất nước. 

Vì vậy tôi nghĩ là người Việt Nam hiện nay phải dồn tất cả mọi nỗ lực, tất cả nghị lực của toàn dân tộc lên trận tuyến chiến đấu chống nghèo nàn, trận tuyến chống tham nhũng, bất công, và trận tuyến chiến đấu chống bành trướng xâm lược của Trung Quốc. Như vậy mới tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc để thoát ra khỏi những khó khăn hiện nay, đối với tình hình kinh tế cũng như an ninh quốc gia đang có những diễn biến hết sức đáng lo ngại, hết sức là nghiêm trọng. 

RFI : Xin rất cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Lãnh hải - Ngoại giao - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120624-bien-dong-lanh-dao-viet-nam-can-co-dung-khi-dat-quyen-loi-quoc-gia-dan-toc-len-tre