dimanche 3 décembre 2017

Lần đầu tiên Trung Quốc nhìn nhận đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa



(Jesse Johnson, JapanTimes 02/12/2017) Lần đầu tiên Trung Quốc nhìn nhận việc triển khai máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa, theo báo chí nhà nước.

Đăng những hình ảnh của đài nhà nước, Hoàn cầu Thời báo chiều thứ Sáu 1/12 cho biết Trung Quốc đã gởi các phi cơ J-11B đến đảo Phú Lâm, tại quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.


Các phi cơ tiêm kích này đã bị phát hiện trên đảo từ năm 2016, và tháng Tư năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh xác nhận việc triển khai này. Các hình ảnh được chiếu hôm thứ Tư 29/11 trên đài CCTV, là một phần của phóng sự về khả năng phát triển của không quân.

Đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Đây là nơi đặt trụ sở chính quyền thành phố Tam Sa – gồm nhiều nhóm đảo và rạn san hô, thuộc tỉnh Hải Nam.

Các hình ảnh cho thấy các máy bay tiêm kích hạ cánh, cất cánh và tiến hành tập trận, dường như là trên Biển Đông, và có ít nhất một máy bay « đi vào một nhà kho niêm phong ».

Có vẻ như Trung Quốc ngần ngại đặt hẳn các chiến đấu cơ trên đảo. Nhưng theo phóng sự, « nhà chứa máy bay có hệ thống điều hòa làm tăng cường khả năng chịu đựng của phi cơ trước độ ẩm và nhiệt độ cao trên đảo », nhờ đó có thể triển khai dài hạn.

Hoàn cầu Thời báo dẫn lời người bình luận Song Zhongping: « Nhà chứa máy bay đặc biệt giúp thường xuyên triển khai chiến đấu cơ ở ‘Tây Sa’. Các quần đảo khác cũng có thể sử dụng các khu nhà như vậy, và việc kiểm soát toàn bộ bầu trời và mặt nước trên Biển Đông có thể tăng tiến nhanh chóng ».

Cũng theo CCTV, đảo Phú Lâm với phi đạo dài 3 km « là một sân bay quan trọng dùng cho cả hai mục đích quân sự và dân sự tại khu vực Biển Đông ».

Bắc Kinh đã xây dựng một loạt tiền đồn ở Biển Đông, với mục đích tăng cường kiểm soát tuyến đường hàng hải mà mỗi năm 3.000 tỉ đô la hàng hóa được vận chuyển qua. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền.

Bên cạnh việc đưa máy bay tiêm kích đến, Trung Quốc vẫn duy trì hệ thống hỏa tiễn địa đối không trên đảo Phú Lâm, và triển khai hỏa tiễn chống hạm tại đây ít nhất một lần. Họ cũng xây dựng các đảo nhân tạo tại Trường Sa, với ba sân bay quân sự, cho dù hồi năm 2015 ông Tập Cận Bình cam đoan sẽ không quân sự hóa.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vào cuối tháng Ba cho biết các công trình xây dựng trên ba đảo nhân tạo ở Trường Sa đã hầu như hoàn tất, giúp Bắc Kinh có thể triển khai chiến đấu cơ và thiết bị phóng tên lửa di động tại khu vực bất kỳ lúc nào.

Cả ba hòn đảo này đều chứa được 24 máy bay chiến đấu và 4 phi cơ lớn hơn, kể cả phi cơ giám sát, vận tải, tiếp liệu hoặc ném bom. Các khu trú ẩn vững chắc với mái nhà có thể thu gọn vào được dành cho thiết bị phóng hỏa tiễn di động cũng đã được xây dựng trên các đảo.

Trung Quốc cũng lắp đặt các hệ thống radar và thiết bị cảm biến quan trọng trên cả ba đảo nhân tạo, gần các cơ cấu phòng vệ để chống lại các cuộc tấn không từ trên không hoặc hỏa tiễn. Các chuyên gia cho rằng việc bố trí tên lửa trên đảo Phú Lâm và triển khai chiến đấu cơ nằm trong kế hoạch sẽ được tiến hành ở quần đảo Trường Sa.

Chuyên gia Bonnie Glaser nhận định, việc Bắc Kinh lần đầu tiên nhìn nhận việc đưa phi cơ tiêm kích đến đảo Phú Lâm là sự kiện quan trọng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.