mardi 12 décembre 2017

Người lính Mỹ cuối cùng đào ngũ sang Bắc Triều Tiên đã chết ở Nhật



Ông Charles Jenkins và hai con gái Mika, Brinda.

(Dorian Malovic, LaCroix 12/12/2017) Người lính trẻ đào ngũ sang Bắc Triều Tiên năm 1965 và đã sống ở đó 40 năm, lấy vợ là một phụ nữ Nhật bị bắt cóc, có hai con gái, được trả tự do nhờ vận động ngoại giao của Nhật Bản năm 2004. Jenkins đã qua đời hôm nay 12/12/2017 tại Sado, một hòn đảo nhỏ của Nhật Bản, thọ 77 tuổi.

Vào buổi sáng tháng Giêng lạnh giá năm 1965, trung sĩ Charles Jenkins đã uống hơi nhiều. Trong lúc tuần tra dọc theo vùng phi quân sự (DMZ) giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, anh đã có sự chọn lựa. Vài ngày trước đó, trong dịp lễ Noel 1964, anh tự hứa với mình : « Lần tới, khi đến lượt đi tuần tra ban đêm, mình sẽ vượt qua DMZ ».

Chỉ với một chiếc la bàn nhỏ, Jenkins vượt qua vùng ranh giới đầy mìn bẫy, sang được Bắc Triều Tiên. Người lính quê ở Bắc Carolina, không thích cầm súng và sợ nhất là bị đưa sang Việt Nam, nghĩ có phần ngây thơ rằng nếu đến Bình Nhưỡng, chính quyền nước này sẽ gởi anh sang Matxcơva, và từ đó về lại Hoa Kỳ.

Bị khoảng hơn một chục lính Bắc Triều Tiên bắt giữ ngay khi vượt biên giới, định mệnh Jenkins đã thay đổi. Suốt 40 năm sau, Jenkins phải sống trên đất Bắc Triều Tiên. Trước hết, là bảy năm trong tù để nghiên cứu tư tưởng Kim Il Sung cùng với ba lính Mỹ đào ngũ khác. Anh cùng với họ là nạn nhân của những nỗi thống khổ, tra tấn…mà sau này anh tả lại.

Sau đó, Jenkins được tương đối tự do với việc dạy tiếng Anh tại trường đại học ngoại ngữ Bình Nhưỡng, và đóng vai « người Mỹ xấu xí » trong nhiều bộ phim. Một hôm người ta giới thiệu cho anh một thiếu nữ Nhật 21 tuổi, Hitomi Soga, bị bắt cóc hai năm trước đó từ miền duyên hải phía tây Nhật Bản. Họ cưới nhau và có hai con gái.

Đến năm 2002, Hitomi được phép trở về Nhật Bản, cùng với bốn người Nhật khác bị bắt cóc trong thập niên 70 và 80. Theo chính quyền Nhật, có ít nhất 17 thường dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong thời kỳ này, trong khi Bắc Triều Tiên chỉ nhìn nhận có 13 trường hợp.

Nhờ Bình Nhưỡng « tỏ thiện chí » trong hồ sơ này, vợ của Jenkins được hồi hương nhưng anh rất lâu sau đó mới đoàn tụ : tội đào ngũ trong thời chiến có thể lãnh án tử hình tại Mỹ. Charles Jenkins cũng sợ rằng hai con gái vẫn đang sống tại Bắc Triều Tiên có thể bị cơ quan tình báo nước này buộc phải làm việc cho họ. Rốt cuộc đến năm 2004, được chính quyền Nhật bảo đảm an toàn, anh chấp nhận ra đi cùng với hai con qua ngả Indonesia.

Được Hoa Kỳ khoan hồng, Charles Jenkins nhận được thẻ thường trú tại Nhật Bản. Cả gia đình sống tại một hòn đảo nhỏ, cách thành phố Niigata một giờ tàu chạy. Những năm gần đây, Jenkins làm việc tại một cửa hiệu bán hàng lưu niệm, và người vợ làm y tá cho một dưỡng đường địa phương. Ông qua đời hôm nay 12/12/2017 ở tuổi 77. 

Ba người bạn tù Mỹ đã chết trước đó rất lâu tại Bình Nhưỡng. Người cuối cùng là James Joseph Dresnok, cưới một người vợ Rumani – cũng bị bắt cóc – qua đời tháng 11/2016 tại Bình Nhưỡng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.