samedi 10 mars 2018

Mai Quốc Ấn - Đất nước trên nền rác



Việt Nam là một quốc gia thuộc loại xả rác cao nhất thế giới. Chung quy lại chỉ có hai nguồn rác là rác thải công nghiệp và rác thải dân dụng. Và cách xử lý rác của đất nước mình cũng thuộc loại... quái thai nhất thế giới.

Khuôn khổ bài viết có hạn nên tôi chỉ chọn một lát cắt nhỏ để phân tích: rác thải nhiệt điện.

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2010, dự tính lượng tro xỉ thải của năm 2015 là 2 triệu tấn/năm. Đến 2020, con số sẽ là 20 triệu tấn/năm và năm 2030 là 46 triệu tấn/năm. 

Cũng theo báo cáo trên cả nước ta chỉ có 69 công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp phép xử lý chất thải rắn nguy hại. Tổng lượng xử lý của các công ty này không đủ đáp ứng tốc độ xả thải của chất thải nguy hại. 

Giả sử tỉ trọng tro bay và xỉ đáy lò trộn lẫn trung bình 1 tấn/m3 thì đến năm 2035 số tro xỉ chưa xử lý tồn sẽ là 2x5+20x5+30x5+46x5= 490 triệu tấn. Số lượng này cần bãi chứa có diện tích 490 triệu m2 cao 1 mét hay 49 triệu m2 bãi chứa cao 10m. 

Đều đặn từ năm 2030, Việt Nam mất 460ha đất/năm để chôn lấp. Đất đó phải là đất vùng cao không có khả năng ngập lụt trong vòng 100 năm, theo tiêu chuẩn xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn. Mưa xuống, khả năng ô nhiễm vùng nước ngầm là rất lớn. Không mưa, phải có một lượng nước khổng lồ để phun và diện tích bạt nhựa khổng lồ để che đậy ngăn tro xỉ bay lên.

Câu hỏi đặt ra là quỹ đất quốc gia mất gần 50 triệu m2 để chôn lấp tro xỉ với vô số hiểm họa chực chờ thì ai chịu trách nhiệm và đất chôn lấp ở đâu ra?

Đất nước này xử lý về ô nhiễm môi trường về thể loại chất thải nguy hại tuyệt đại đa số bằng công nghệ chôn lấp. Và muốn thành doanh nghiệp xử lý về ô nhiễm môi trường về thể loại chất thải nguy hại cần phải được Bộ TNMT xét duyệt ĐTM (đánh giá tác động môi trường). 

Bộ TNMT phải có nhiệm vụ tìm kiếm công nghệ trong và ngoài nước để xử lý chất thải rắn 100% giảm và tiến tới không chôn lấp. Thay vì như vậy, họ lại giành quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại với địa phương. Trung ương triển khai dự án gây ô nhiễm. Địa phương muốn xử lý ô nhiễm lại phải ra trung ương xin phép trong khi nhiều doanh nghiệp có công nghệ tái chế rác muốn làm mà không được. Lạ lùng!

Câu hỏi đặt ra tiếp là nếu cứ mãi dùng công nghệ chôn lấp chất thải độc hại và mãi độc quyền xét duyệt doanh nghiệp thì có phải Việt Nam là quốc gia trên nền rác hay không?

Nhưng bất cập này vẫn chưa phản ánh được bản chất của sự tồi tệ về ô nhiễm. Dân Tuy Phong, Bình Thuận đã chặn Quốc lộ 1 và thậm chí đánh nhau với cảnh sát cơ động, ném gạch đá và bom xăng vì không thể chịu đựng nổi ô nhiễm. Cái đớn đau nhất là những "doanh nghiệp xí phần" đã tước đi cơ hội xử lý chất thải nhiệt điện (xem ở comment). Còn các báo cáo về môi trường thì vẫn luôn đẹp khi tới tay Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội,... Tôi chỉ lưu ý rằng Tuy Phong chưa phải nơi chặn Quốc lộ đầu tiên và chắc chẳng phải cuối cùng.

Thực tế và báo cáo khác nhau như trời với vực thì liệu có tình trạng báo cáo láo hay không? Liệu quyết tâm chống tham nhũng của chính thể có bị cấp dưới chỉ coi là khẩu hiệu suông hay không?

Đất nước này trên nền rác bắt đầu từ "tư duy ve chai" của những nhà tham mưu, quản lý chính sách chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn của nhiệm kỳ. Tôi biết nhiều cán bộ cao cấp vẫn đau đáu vì dân nhưng cái họ thiếu chính là những lời nói thật, những báo cáo khách quan.

Có một cán bộ cấp Ủy viên trung ương hỏi với một nhà báo rằng cấp dưới báo cáo tôi có xu hướng theo phản động, có phải vậy không? Thật là một ví dụ kinh điển không chỉ về báo cáo láo mà còn bịa đặt, vu khống trắng trợn. Cũng là một ví dụ kinh điển về việc dùng người hiện nay của quan chức.

Còn nghe báo cáo láo, còn xài bọn rác rưởi thì đất nước này còn trên nền rác dài lâu!

Chú thích: Bạn nào quan tâm đến môi trường xin chú ý đề xuất này. Điều này được thông qua thì ô nhiễm sẽ tìm đến tận nhà bất kỳ ai! Bạn im lặng hôm nay vì ngỡ mình ở xa nhiệt điện thì nó sẽ tìm đến bạn ngày mai...

FB MAI QUỐC ẤN 10.03.2018


Bài viết ngày 01.03.2018 của cùng tác giả :
« Doanh nghiệp xí phần »

Quyết định 452 ký ngày 12/4/2017 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có một chi tiết rất... trời ơi: sử dụng tro xỉ "làm vật liệu san lấp công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông". Tôi không hiểu ai tư vấn cho Phó Thủ tướng ý tưởng này. Vì nó sẽ gây ra hậu quả môi trường cực kỳ nghiêm trọng hơn cả Vĩnh Tân!

Hình thức chôn lấp hiện tại được thay thế bằng mỹ từ "san lấp, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông". Nghĩa là ô nhiễm ở các điểm nhiệt điện sẽ biến thành ô nhiễm diện rộng!
Tôi mà là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tôi sẽ điểm lại toàn bộ các văn bản tham vấn của các bộ để xem ai tư vấn kiểu "giết cấp trên" như thế này! Và Chính phủ cũng cần xem xét lại một yếu tố mà tôi cho là rất tàn nhẫn với môi trường lẫn đi ngược lại tinh thần chính phủ minh bạch:

Đó tình trạng những "doanh nghiệp xí phần" nhảy vào thầu tro bay, xỉ than với giá 0 đồng rồi bán lại với mức 10.000-40.000 đồng/tấn, tùy nơi.

Các nhà máy nhiệt điện phía Bắc vận hành lâu, kinh nghiệm nhiều nên than đá được đốt tối ưu để ra tro xỉ ít cacbon nên có thể lấy ngay để trộn với xi măng hoặc làm gạch chưng áp, gạch ép rung, gạch ép tĩnh. Các nhiệt điện phía Nam không đốt tối ưu nên tro xỉ khó làm gạch chưng áp mà chỉ có thể làm gạch ép rung, gạch ép tĩnh.

Những "doanh nghiệp xí phần" hoàn toàn không hiểu và không có công nghệ xử lý môi trường hoặc công nghệ không đủ sức xử lý. Tro bay tinh chất có thể trộn với xi măng nhưng hiện nay xi măng Việt Nam đang sản xuất dư hàng chục triệu tấn nên sức mua tro bay có hạn. Xỉ than thì không thể làm nguyên liệu xi măng.

Họ bán tro bay, xỉ than tới Tp.HCM, Đồng Nai hay Bình Dương thì giá tro kèm vận chuyển lên tới 650.000 đồng/tấn. Giá này đắt ngang với giá cát hiện tại và cao hơn nhiều so với giá đá mi bụi cũng để dùng làm gạch không nung.

Hiện nay, nhiệt điện cả nước chỉ có 10% xỉ than và tro bay nhiệt điện được xử lý để làm gạch và xi măng. 90% còn lại được đang chôn lấp mà không xử lý. Ông Dũng gàn có công nghệ để xử lý 90% hậu quả của bọn đầu cơ ấy. Hiểu đơn giản, tro và xỉ sau khi phối trộn với ximang và phụ gia và chịu lực ép cơ học sẽ biến thành viên gạch bê tông - nghĩa là một loại vật chất khác không thấm xuống đất khi mưa, không bay theo gió.

Nhưng ông Dũng gàn không có cơ hội. Cơ hội đã bị họ... xí phần! 

"Tôi nói thẳng, "doanh nghiệp xí phần" thầu hết tro bay, xỉ than lẫn đất mà không có công nghệ xử lý thì chỉ tạo thêm điểm ô nhiễm. Theo luật thì bãi chôn lấp chỉ có hai năm để xử lý thì mời Chính phủ kiểm tra lại xem họ có xử lý được gì không?"- ông Dũng gàn thắc mắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới phát biểu gần đây "Giờ làm dối trá không được đâu!". Vậy mà sự dối trá vẫn xuất hiện đó thôi, bắt đầu từ những tham mưu, báo cáo láo giàu mỹ từ và uyển ngữ cho Chính phủ. Chính phủ chịu nghe tôi xin điểm danh từng điểm bậy bạ trong văn bản của từng quan chức trong 6 Bộ ngành được giao xử lý tro xỉ.

Chú thích: Là doanh nghiệp KHCN mà cty của Dũng gàn tới giờ chưa được hỗ trợ bất cứ điều gì. Bị đốt xưởng thì được "vận động" viết biên bản do chập điện cháy. Kiến tạo ở đâu?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.