mardi 15 mai 2018

Nguyễn Thông - Hộp đen


Giáo sư Phan Đình Diệu (bìa trái). Ảnh Vietnamnet.
Một nhà khoa học nổi tiếng của đất nước, Giáo sư Phan Đình Diệu vừa ra đi. Nói theo văn mẫu, đối với nền khoa học nước nhà, "tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn".

Trong số những nhà khoa học lừng danh miền Bắc mà thế hệ 5X tôi biết, những là Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu, Vũ Tuyên Hoàng... thì cụ Diệu kín tiếng cá nhân nhất, bởi cụ không thích lập thân chốn quan trường. Tôi không dám chê bai gì các cụ kia bởi cụ nào cũng giỏi, nhưng phải nói cứ dính tí quan trường là uy tín khoa học bị kém ngay, con mắt người đời nhìn vào không còn ngưỡng mộ như trước nữa. 

Cụ Tứ thời tôi còn sinh viên là Bí thư đảng ủy, Hiệu phó trường tôi (Trường Đại họcTổng hợp Hà Nội). Cụ được tiêu chuẩn xe Volga trắng, trong khi cụ Hiệu trưởng Ngụy Như Kontum chỉ được diện xe Moskovic. Sau đó cụ Tứ được cất nhắc lên Ủy viên Trung ương, làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp thay cụ Bửu (bố cô Tạ Bích Loan).

Rồi tới Đại hội 8 năm 96 được bầu vào Bộ Chính trị, tuy nhiên cụ chưa được ngồi ghế nóng ấy phút nào, đơn giản vì cụ mất đột ngột nhưng hai hôm sau người ta vẫn cứ máy móc bầu cụ bởi danh sách lựa chọn nhân sự đã được ông Lê ĐứcThọ và đảng duyệt. Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đảng độc quyền cai trị xứ này đã bầu một người chết vào Bộ Chính trị. 

Cụ Hiệu cũng diện vua biết mặt chúa biết tên. Thời sinh viên, chúng tôi nghe rằng cụ là số 1 về vật lý lý thuyết xứ ta (tất nhiên lúc đó chỉ giới hạn ở miền Bắc), và khiếp nhất ở chỗ cụ nghiên cứu tại Viện Vật lý Hạt nhân Duvna lừng lẫy bên Liên Xô. Ngày đó, ai dính tới hạt nhân cũng đều khiếp, bởi chỗ ấy chỉ dành cho những bậc phi thường. Mình loại cú đỉn suốt đời chỉ cắm mặt vào hạt gạo củ khoai, làm sao mà tưởng tượng nổi hột nhưn nó như thế nào. 

Cụ Hiệu sau nữa rất nhiều khóa được đảng trưng tập vào Trung ương, giữ chức này chức nọ oai lắm. Thời cụ phỉ chí chưa có cách mạng mấy chấm như kiểu 4 chấm 0 bây giờ, nhưng do ông Lê Duẩn phán rằng "khoa học kỹ thuật là then chốt" nên cụ Hiệu cũng được đà bay lên.

Giá như cụ Tứ, cụ Hiệu biết xua tay từ chối hoạn lộ thì có thể nền khoa học công nghệ kỹ thuật xứ ta được nhờ vả phần nào, đỡ phí đi cái sở học thâm sâu. Nhưng biết làm sao, thời thế nó vậy, con người có mấy ai được như cụ Phan Đình Diệu.

Thú thực là những năm 70 - 80 chúng tôi nghe danh cụ Diệu nhưng cũng chỉ mơ hồ. Biết đó là một nhà khoa học cực tài, nhưng cụ học cái gì, tài cỡ nào thì chịu. Phục cụ bởi cụ là một thứ nhân cách đồ Nghệ (cụ quê Hà Tĩnh), không háo danh, không luồn cúi, lại rất thẳng tính, nên dẫu dùng cụ thì dùng, người ta vẫn e dè cụ. 

Cụ được bổ chức phó này trưởng nọ, là do cụ tài, khó kiếm người thay thế, chứ không phải cụ chịu ơn bề trên. Bọn sinh viên Tổng hợp chúng tôi nửa đầu thập niên 70 nghe người ta đồn nhau rằng có hai ông bướng nhất là Lê Văn Thiêm và Phan Đình Diệu.

Và rồi cuối cùng tôi cũng được chứng kiến sự bướng thẳng băng ấy của cụ Diệu. Nhớ hồi cuối thập niên 80, sau khi được bầu vào chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Văn Linh đang nổi như cồn bởi cầm giữ mục "Những việc cần làm ngay" trên báo Nhân Dân, chả biết giở giói thế nào, tự dưng xông sang địa hạt kinh tế, phán rất kinh. 

Không biết đứa trợ lý nào mớm cho, ông Linh đưa ra khái niệm hộp đen kinh tế. Đại loại muốn làm kinh tế, chèo lái con thuyền kinh tế phải nắm chắc hộp đen. Còn hộp đen mặt mũi nó ra sao, nó chứa cái gì thì không nghe ông Tổng giải thích. 

Mỗi ngày sau giờ dạy tôi lại tranh thủ ghé thư viện Trường Dự bị Đại học TP.HCM bảo cô Thủy, cô Chín cho mượn một đống báo, đủ cả Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Đại đoàn kết, Nhân Dân, Quân Đội... thấy bất kỳ số báo nào cũng tung hô Tổng bí thư, ca ngợi hộp đen, ca đường lối kinh tế sáng suốt của người cầm lái vĩ đại xứ ta. Tôi đọc chán chê, dí sát mắt vào từng chữ, chả hiểu hộp đen là cái quái gì. 

Lâu nay chỉ nghe nói nó là cái hộp sắt kín mít chứa những thông tin hành trình của một chuyến bay trên chiếc máy bay. Hồi cái máy bay Yak-40 bị rơi ở thung lũng Ô Kha (Khánh Hòa) người ta mất bao nhiêu công đi tìm chiếc hộp đen để giải mã vì sao nó lại rơi (cũng chính thung lũng này, mấy năm sau vụ rơi trên, biên đội 2 chiếc Su-20 của Liên Xô sau khi dự triển lãm hàng không ở Hồng Kông về, trên đường xuống căn cứ Cam Ranh cũng chúi xuống rơi mất tiêu, chết cả phi công). Hay mình ngu quá. Người ta hiểu thì người ta mới ca ngợi chứ. Mình dân ăn mày, có đục đầu ra nhét hộp đen vào cũng vẫn chỉ ăn mày thôi. 

Bỗng một hôm đọc ở tờ báo nào, nay quên mất xừ nó rồi, đăng bài rất dài của nhà khoa học Phan Đình Diệu. Đại loại ông thẳng tưng phê phán mấy anh lãnh đạo, rằng biết thứ gì chắc chắn thì hãy lập ngôn, chứ đừng có lộng ngôn, nói lấy được, nói như kẻ mơ ngủ. Cụ Diệu lấy ngay ví dụ về cái hộp đen, cụ bảo Tổng bí thư không hiểu hộp đen là gì thì đừng phát ngôn thế. Báo chí không nắm chắc khái niệm hộp đen thì đừng tung hô nịnh nọt, khó nghe lắm. 

Đại loại ý kiến của cụ Diệu như quả bom nổ vào không khí phấn khởi chào mừng Đại hội 6 và Tổng bí thư Linh vốn đã kéo dài gần hai năm sau khi Đại hội bế mạc. Thiên hạ bảo nhau ông đồ Nghệ này dám mó dái ngựa, nhưng những người hiểu biết thì trầm trồ, chỉ có thể là Phan Đình Diệu.

Về sau, tìm hiểu thêm về cụ Diệu, tôi mới biết rằng chính cụ là người mở đường cho nền khoa học tính toán, tin học xứ này. Những Nguyễn Quang A, Mai Liêm Trực, Nguyễn Trọng, Trương Gia Bình, Hoàng Minh Châu... chỉ là học trò nhỏ của cụ Diệu. 

Tất nhiên mỗi người có phần gạch gỗ riêng mình để xây căn nhà công nghệ thông tin, nhưng công của cụ Diệu cực lớn. Nói gì thì nói, chúng ta đang ngồi trước máy tính gõ tí tách đây, đọc thế này, chí chóe với nhau suốt ngày thế kia, là phải biết ơn cụ Diệu.

FB NGUYỄN THÔNG 15.05.2018

1 commentaire:

  1. người "taì giỏi" thường nói những điều mà chính người nói chẳng hiểu mình nói gì...

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.